Wednesday 29 October 2014

Dạy con học tiếng Anh: 003 - chọn giáo trình


1 - Ý tưởng về giáo trình:
Mình có nói trước là sẽ cố gắng không bỏ tiền ra mua các giáo trình nước ngoài để dạy tiếng Anh. Thế nhưng chuyện tìm cái gì để dạy cho mấy đứa con nít lúc bắt đầu coi bộ cũng có lắm chuyện để bàn.

Có anh bạn khuyên kiếm mấy cái cartoon nước ngoài về rồi cho tụi nó coi suốt ngày để luyện nghe luyện nói, ý kiến cũng hay, tuy nhiên cũng có phần hơi khó vì mấy cái cartoon mà mình đang có tụi nó không nói tiếng người :D toàn là nói tiếng gián tiếng mèo chuột tiếng sóc không à ;)

Kinh nghiệm luôn, Sapphire sau một thời gian coi toàn cartoon con gián cũng bắt chước tiếng con gián luôn :)) Hay là tiếng con vẹt cũng dễ bắt chước nữa. Mẹ Sapphire có nhận xét rất đúng là phinh cướp biển nào cũng có một con vẹt Nam Mỹ đủ màu! Mấy đứa con nít giỏi bắt chước sẽ nhái theo cái một!

Hơn nữa ở VN thì việc coi cartoon cũng hơi khó chuyện thực hành, anh bạn đang ở Mỹ, con cái chạy ra đường mấy bước là gặp ngay một đứa mũi rất xanh mũi rất cao nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ để nói chuyện, hoặc cháu nó lên lớp gặp toàn bạn bè thầy cô cũng thuộc dạng nói tiếng Anh rất Mỹ ;)

Con cái ở Vietnam không có nhiều dịp thực hành như vậy, nên mới có rất nhiều phụ huynh sẵn sàng chi vài trăm tới cả ngàn bác Obama hàng tháng cho con cái được vào học mấy trường quốc tế ở đây ngõ hầu giúp các cháu nó có được một môi trường học hỏi lý tưởng như thế.

Hồi xưa còn dạy kèm con nít trên Bảo Lộc, mình có cuốn Windows on the World của ĐH Oxford dành cho trẻ em rất thú vị. Giờ kiếm lại không còn nữa. Tuy nhiên hồi đó mình còn thiếu kinh nghiệm chinh chiến nên chỉ tập trung vào dạy mấy đứa học trò toàn là ngữ pháp và bỏ qua khả năng sử dụng, thế nên hiệu quả không được như mong muốn.

Mình có thằng bạn không thân lắm hồi xưa cùng sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh ở BL, nó đi Mỹ định cư khoảng những năm đầu 1990 thế kỷ trước. Hơn hai năm sau nó về và mang theo dáng dấp của một thằng Mỹ con hoàn hảo, khả năng English phải nói là tuyệt vời, nhưng mình khoái nhất cách nó sử dụng body language, giống y mấy anh chàng da đen hay gặp trong phinh vậy :D

Chuyện thứ hai về body language, có lần Sapphire khen Mẹ đẹp quá, mình hỏi vậy Ba có đẹp trai không, con nhỏ sau mấy lần bị hỏi tới tới cũng hơi nhún vai gật đầu ra cái điều thôi thì ừ đại khỏi hỏi rắc rối quá, cái kiểu nó hồi 3 tuổi nhún vai cũng y như mấy đứa con nít Mỹ trong phinh vậy...

Vậy nên điều mà mình chọn tới là những giáo trình càng gần với cuộc sống của Anh Mỹ càng tốt, một giáo trình phải có hoạt cảnh, phải được con nít làm diễn viên, phải có cuộc sống trong đó và phải dễ nhớ, phải thú vị để con nít nó nhập tâm, nhập tâm từ văn hóa ứng xử trở đi.

Ý tưởng về một giáo trình như thế mà lại miễn phí nữa gần như chuyện ảo tưởng, nên mình mới có ý định tìm kiếm những cảnh phim được trích đoạn trên youtube để mang ra dạy con.

Bước đầu càng dễ càng tốt, thậm chí không cần phát âm thành từ hay câu cú cũng OK. Đại khái trong giai đoạn bắt đầu làm quen với tiếng Anh, chỉ cần tụi nhỏ làm quen với các cảnh phim diễn tả những cảm xúc của nhân vật cũng được, cảm giác mừng rỡ, hoảng sợ, nghi ngờ, hưng phấn vân vân... trong những tình cảnh đó người ta phản ứng như thế nào, mắt chữ a mồm chữ o ra sao... học tập một ngôn ngữ nói chung là phải thâm nhập vào cả văn hóa và cách ứng xử của người ta nữa, vậy mới gần giống được cách người Anh nói tiếng Anh, chứ không vất vả như người Việt mình nói tiếng Anh ;)

À, thông qua những ví dụ sống động như thế, biết đâu người lớn còn dạy được con mình cái phong cách sống của dân tây, là những phương pháp giáo dục mà các bậc phụ huynh vẫn hay trầm trồ khi đọc các bài viết về cách dạy con của các mẹ tây chẳng hạn.

2 - Dàn bài phát triển:
Phần này đại khái là về phần mục lục, content của quá trình dạy tiếng Anh.

Nói chung là cũng cần một cái sườn để dạy từ dễ tới khó, tuy nhiên cũng không cần phải theo sát với đề cương quá, gặp cái gì thích hợp thì có thể bắt đầu luôn.

Dàn bài có thể được phát triển như sau:
- làm quen với văn hóa người bản xứ: chào hỏi, ăn mặc, đi lại, học hành, xả rác... phần này chủ yếu dạy cho trẻ biết rằng có một thế giới mới lạ hoàn toàn so với thế giới quen thuộc hàng ngày, ở đó người ta sống khác với mình ra sao...
- những bước đầu tiên làm quen với ngôn ngữ mới: phát âm, làm quen với các tình huống sử dụng ngôn ngữ ở mức độ cơ bản
- tìm hiểu về vật dụng, hoạt động hàng ngày của người bản xứ: vật dụng, tình huống tiếp xúc...
- trong quá trình học lên từ thấp tới cao như vậy sẽ dành phần rất lớn thời gian để nghe nói nghe nói nghe nói và nghe nói...

Trong các bài viết sắp tới về từng bài học cụ thể mình sẽ giới thiệu các materials mà mình tìm được cho các bạn tham khảo thêm.

Như thường lệ, các bạn còm giúp ở đây luôn để dễ tìm lại sau này nghe ;)

Friday 24 October 2014

Dạy con học tiếng Anh: 002 - phương pháp dạy con làm quen với tiếng Anh

1 - Phương pháp:


Có rất nhiều cách dạy con cái mình học tiếng Anh, có cách thích hợp với đứa này nhưng lại không thích hợp với đứa khác.

Việc xác định một phương pháp dạy học thích hợp con cho mình rất quan trọng, mặc dù tụi nhỏ có thể học kiểu gì cũng được và đều có thể thành công. Tuy nhiên khi xác định được một phương pháp dạy thích hợp sẽ có hiệu quả hơn trong việc giúp hạn chế những sai sót, và làm tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ của mấy đứa nhỏ.

Đối với học trò Sapphire (có khả năng bắt chước giọng và điệu siêu hạng, tuy nhiên có vẻ hơi lười luyện tập) và Ruby (khá năng động, ham vui nhưng lại chưa biết có bắt chước tốt như chị Hai không), mình chọn phương pháp tạm gọi là học tiếng Anh trực tiếp, có nghĩa là hai nhóc sẽ chỉ nghe và tập phát âm theo các tài liệu listening, và cố gắng tránh tự mình phát âm cho con bắt chước.

Phương pháp này trước hết rất tốt vì các con được nghe chính xác cách phát âm rất chuẩn của người bản xử và với khả năng tái tạo ngôn ngữ (reproduce) của tuổi nhỏ, thì các con sẽ dễ có khả năng phát âm chuẩn hơn sau này.

Phương pháp này sẽ được áp dụng xuyên suốt thời gian dạy con học tiếng Anh, cùng với thời gian luyện tập, luyện tập nhiều và luyện tập thật nhiều.

Trong giai đoạn làm quen, tôi chủ yếu chỉ xây dựng cho các con khả năng tiếp thu thụ động, và cụ thể hơn là tiếp thu qua kỹ năng nghe (listening), theo tôi đây là khả năng quan trọng nhất. Ở tuổi này trẻ em chưa cần phải chú trọng vào kỹ năng đọc (reading), cũng là một kỹ năng có tính thụ động khác. Chúng ta sẽ hướng dẫn các con reading sau, và chỉ sau khi các con đã làm quen với các bài học ngôn ngữ bằng listening.


2 - Ưu điểm và khuyết điểm của các phương pháp

Việc làm quen với ngôn ngữ ở tuổi còn rất nhỏ dĩ nhiên sẽ có những mặt rất có lợi, ví dụ như trẻ em sẽ có thời gian học dài hơn, có nhiều dịp thực hành hơn, khả năng nắm bắt thụ động (khả năng nghe và ghi nhớ) cũng nhanh và chính xác hơn.

Tuy nhiên cũng do phải làm quen với một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ quá sớm trong khi vẫn phải học và sử dụng tiếng mẹ đẻ thường xuyên dễ dẫn tới tình trạng lẫn lộn ngôn ngữ. Có thể các bé sẽ sử dụng cả từ tiếng Việt và tiếng Anh trong cùng một câu nói. Để tránh cái sai này, ngay từ đầu cần phải xác định phương thức dạy thích hợp. Đây là một vấn đề khá quan trọng, nên sẽ được bàn sau trong một bài riêng.

Ưu điểm:

  • Phương pháp học trực tiếp giúp các con thâm nhập ngay vào thế giới tiếng Anh thực sự mà người bản xứ đang sử dụng hàng ngày.

Chỉ cần một ưu điểm đó thôi là đủ để tôi chọn và áp dụng với các con, thông qua quá trình dạy thực tế sẽ được kiểm tra và đánh giá lại.

Khuyết điểm:

  • Rất mất thời gian tìm và chọn các tài liệu học thích hợp, bài trước có nói là tôi sẽ hạn chế mua giáo trình mà thiên về sử dụng các bài học miễn phí trên youtube, bbc, voa... hì hì
  • Tiếng Anh bên ngoài: Trong quá trình học tập, chắc chắn các con sẽ phải tiếp xúc với các cách phát âm tiếng Anh khác nhau, từ các bạn trong lớp, từ các thầy cô giáo trong trường... Có thể họ sẽ có cách phát âm khác với cách mà các con đã được học, và có thể sẽ gây ra tình trạng các con không hiểu người ta nói gì hoặc tệ hơn nữa các thầy cô cũng chả hiểu các con muốn nói gì, hehee... và cũng có thể các con sẽ bị chê là nói tiếng Anh gì trật lất :))
  • Thời gian: Chắc chắn là trong thời gian đầu tiên, các con sẽ cần sự hướng dẫn của người lớn. Do đó người lớn sẽ phải mất thời gian cho con. Tuy nhiên tôi sẽ tìm cách hướng dẫn con tự học ngay từ trình độ thấp nhất để đỡ thời gian của Ba Mẹ. (Cái này trong quá trình sau này các bạn nhớ nhắc tôi nếu thấy tôi quên nói thêm).


3 - Gợi ý về phương pháp
Theo tôi, mỗi đứa trẻ có một khả năng ngôn ngữ riêng, có đứa giỏi nói, có đứa giỏi viết, có đứa rất thích "chơi" với từ vựng, có đứa lại cẩn thận với từng lời ăn tiếng nói. Và do đó việc xác định được phương pháp nào là thích hợp cho con sẽ có một ảnh hưởng quan trọng đến quá trình học của con sau này.

Trên cơ sở là phát triển bốn kỹ năng nghe nói đọc viết, việc xác định được trọng tâm nào để phát triển vào thời gian nào sẽ đóng một vai trò không nhỏ cho khả năng sử dụng tiếng Anh của con sau này.

Các bài viết này sẽ được giới thiệu trên facebook của tôi, tuy nhiên nếu các bạn tham gia bàn bạc xin vui lòng tập trung comment vào phía dưới bài này luôn để dễ tìm lại sau này, và không phải vất vả vào facebook lục bới trong đám rừng các thứ trên timeline ;)

Sunday 19 October 2014

Dạy con học tiếng Anh - 001: Giới thiệu

Với mục tiêu chỉ là làm sao để tự dạy con học tiếng Anh có hiệu quả ngay từ những bước đầu, mình sẽ không dài dòng mất thời gian về tầm quan trọng của tiếng Anh, cái này đọc tùm lum trên mạng rất nhiều.

Trước khi dạy con, mình sẽ xác định sẵn một số vấn đề cơ bản (như mục tiêu của việc học, nền tảng có sẵn hay chưa có sẵn...) cho hướng phát triển, những vấn đề này có thể thay đổi trong tương lại tùy theo tình hình thực tế.


Mục tiêu:

- Mục tiêu thứ nhất: Dạy con thứ tiếng Anh chuẩn, do người bản xứ đang sử dụng. Tài liệu dạy học do người bản xứ soạn.
- Mục tiêu thứ hai: Kỹ năng quan trọng nhất trong việc học tiếng Anh và các ngôn ngữ khác là kỹ năng tự học. Do đó mục tiêu thứ hai sẽ hướng đến xây dựng cho con một nền tảng kiến thức cơ bản, đủ để con bắt đầu tự học.
- Mục tiêu thứ ba: (cái này nói nhỏ nhỏ thôi :D) Tới tuổi du học thì con cũng kịp đạt trình độ xin học bổng ;) hehe...

Nền tảng:

- Nền tảng thứ nhất:
Không đi học thêm ở bất cứ trung tâm nào, tất cả hướng dẫn đầu tiên đều do Ba và Mẹ chỉ dẫn.

(Nói sơ qua trình độ Ba Mẹ:

Ba tự học tiếng Anh sau khi được ông Nội trong vòng 2 tháng dạy một lèo hết giáo trình dạy tiếng Anh của đại học Kỹ thuật Illinoise, cuốn này dùng để dạy tiếng cho sinh viên nước ngoài năm đầu tiên, sau đó Ba có dạy kèm con nít cấp 1 mấy năm, có bằng C ĐHSP, rồi học Đại học Ngoại thương, đã học qua mấy giáo trình tiếng Anh kinh tế (ít dùng tới kiến thức cao siêu ở mấy bài nửa cuối giáo trình, hì hì), mấy năm làm việc cho các công ty nước ngoài và có sử dụng tiếng Anh trong công việc.
Mẹ học đại học Đà lạt, khoa tiếng Anh ngành sư phạm, chưa đi dạy nhưng có kinh nghiệm làm việc mấy năm trong các công ty nước ngoài, cũng sử dụng tiếng Anh hàng ngày, chủ yếu với người Pháp :D)

- Nền tảng thứ hai: 

Hạn chế mua giáo trình nước ngoài, chủ yếu sử dụng các giáo trình dạy tiếng Anh trẻ em miễn phí trên mạng, nhiều nhất là trên Youtube.

Học trò:


- Saphirre: con gái lớn, sinh năm 2008. Có thói quen buồn ngủ díp mắt khi học bài ;) có năng khiếu bắt chước và sáng tạo.
- Ruby: con trai út, sinh năm 2011, rất thích học chung với chị, kể cả học đàn organ hay đánh vần tiếng Việt lớp 1.

Ý tưởng:

Chủ yếu việc dạy con là hướng tới kỹ năng sử dụng tiếng Anh mà không chuyên về nghiên cứu ngôn ngữ, nên có thể quá trình dạy học sẽ nghiêng về các bài tập nói, tập đọc, tập viết... giảm nhẹ môn nghiên cứu ngữ pháp và các nguyên tắc cao siêu khác.

Loạt bài về dạy tiếng Anh cho con này dự định là những bài chia sẻ kinh nghiệm với các bậc phụ huynh có chung ước muốn. Người viết blog này rất mong được các bạn đóng góp, chia sẻ để tất cả chúng ta có thể tìm ra cách dạy con học hiệu quả, không riêng cho môn tiếng Anh.